Đức Huy là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như “Và tôi cũng yêu em”, “Đừng xa em đêm nay” và rất nhiều bài hát nổi tiếng khác. Vậy Đức Huy là ai? Sinh năm bao nhiêu? Thong tin gia đình bao gồm những người nào? Cùng Thế Giới Nghệ Sĩ tìm hiểu chi tiết về tiểu sử nhạc sĩ Đức Huy ở bài viết dưới đây nhé!
I. Thông tin tiểu sử Nhạc sĩ Đức Huy
- Tên thật: Đặng Đức Huy
- Năm sinh: 10/06/1947
- Quê quán: Sơn Tây, Hà Nội
- Tôn giáo: Thiên Chúa Giáo
Từ năm 4 tuổi ông phải cuộc sống không ổn định, ở hết với cô lại đến bác.
Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam. Gia đình ông lưu lạc nhiều nơi, từ Đà Nẵng, Đà Lạt, qua Nha Trang, sau cùng định cư tại Sài Gòn.
Tài năng âm nhạc của ông được người anh họ Nguyễn Tuấn Khanh phát hiện và đào tạo khi mới 15 tuổi. Khi đó gia đình ông vẫn còn cư trú tại Đà Lạt. Bấy giờ ông đang theo học trung học tại trường Nguyễn Trãi (Saigon). Dưới sự hướng dẫn của người anh họ, mà về sau cũng là một nhạc sĩ lừng danh với nghệ danh Nguyễn Vũ, ông sớm biểu hiện khả năng âm nhạc.
Năm 1963, ngay khi còn đang học Trung học, ông đã được một ban nhạc trẻ nhà nghề Les Vampires mời tham gia với vai trò nhạc công.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, ông thi vào Đại học Văn khoa (Sài Gòn), khoa Văn chương Anh. Thời gian sinh viên, ông tham gia nhiều ban nhạc trẻ như Crazy Boys, Revolution, Strawbery Four và bắt đầu sáng tác.
Nhạc phẩm đầu tay của ông sáng tác năm 1967 mang tên “Khóc hạ”, tuy nhiên không được công bố. Hai năm sau, năm 1969, ông công bố nhạc phẩm “Cơn mưa phùn”, được thính giả trẻ bấy giờ đón nhận nồng nhiệt.
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa năm 1972, ông nhận được lệnh động viên nhập ngũ vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Dù có bằng Đại học và khả năng Anh ngữ tốt, ông không chọn con đường học tiếp sĩ quan mà trở thành một binh nhì địa phương đóng quân ở Bình Dương. Trong thời gian quân ngũ, ông vẫn tiếp tục sáng tác và tham gia biểu diễn.
II. Sự nghiệp và đời sống nhạc sĩ Đức Huy
1. Đời sống của nhạc sĩ Đức Huy
– Đời sống ở hải ngoại
Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ông không kịp về với gia đình để cùng di tản. Do thất lạc gia đình, ông sang tị nạn ở Philippines một thời gian. Do khả năng ngoại ngữ tốt, ông tham gia tổ chức giúp người tị nạn. Được sự giới thiệu của một người bạn Mỹ là phóng viên, ông nhận lời làm người chăm sóc cho 2 đứa trẻ lai Việt mới 7 tháng tuổi để đổi lại cơ hội được rời trại sớm để đến được San Francisco, Hoa Kỳ.
Khi đến được Hoa Kỳ, bấy giờ ông chỉ có vỏn vẹn 30 USD trong túi. Công việc sinh kế đầu tiên của ông là phục vụ trong một nhà hàng Việt Nam. Sau một thời gian, nhờ tiếng tăm chơi nhạc khi còn ở Việt Nam, nên qua giới thiệu của một người Hàn Quốc, ông gia nhập giới chơi nhạc San Francisco, vừa hát vừa đàn cho một ban nhạc ở khu phố Tàu. Ông cũng theo học thêm một thời gian về nhạc căn bản và hòa âm tại trường San Francisco City College.
Năm 1985, ông bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp, cùng ban nhạc biểu diễn trên một chiếc du thuyền, đi khắp Tahiti, Caribe, Jamaica, México trong 4 năm. Thời gian này, ông gặp một nữ ca sĩ nghiệp dư có nghệ danh Thảo My. Năm 1989, ông cùng ca sĩ Thảo My kết hôn và định cư tại California. Để sinh kế, ông học nghề nhiếp ảnh nhưng bỏ dở chỉ sau 1 năm. Ông trở lại nghề biểu diễn cùng với vợ mình, trong giới cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Đức Huy và ca sĩ Thảo My đã ly dị. Trong khoảng thời gian mưu sinh ở Mỹ, ông đã từng làm phục vụ trong nhà hàng, rồi mở nhà hàng, mở phòng thu nhạc.
Đức Huy thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình của các trung tâm băng nhạc lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt, trung tâm Thúy Nga đã từng thực hiện Paris By Night 33: Nhạc tình Đức Huy (1995) và Paris By Night 118: 50 năm Âm nhạc Đức Huy (2016) để vinh danh dòng nhạc của ông.
– Đời sống ở Việt Nam
Từ năm 2004 đến nay, ông nhiều lần về nước biểu diễn, xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc như Duyên dáng Việt Nam… Ông đã phát hành album mang tên Và con tim đã vui trở lại năm 2005 và tổ chức liveshow riêng cùng tên vào năm 2007. Ông cũng từng tham gia làm giám khảo cho cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2011 và Gương mặt thân quen.
Hiện nay ông đã về định cư hẳn tại Việt Nam, tái hôn năm 2013, với một cô gái kém 44 tuổi vốn là fan hâm mộ ông. Hai người đã có 1 con trai (sinh năm 2015).
– Nhạc sĩ Đức Huy: “Tôi đã vỡ mộng trên đất Mỹ”
Sau nhiều năm bôn ba trên xứ người, Đức Huy, nhạc sỹ, ca sỹ với những bản tình ca lãng mạn như: Đừng xa em đêm nay, Và con tim đã vui trở lại… đã quyết định trở về quê hương sinh sống. Đó là nơi anh tin mình sẽ sống quãng đời còn lại đầy ý nghĩa, bỏ lại sau lưng tất cả những đau khổ…
Hành trình đến nước Mỹ của anh đã bắt đầu như thế nào?
Thoáng qua cũng đã 30 năm rồi. Tôi bỏ lại quê hương để đi theo gia đình. Nhưng họ đi sớm hơn, tôi ra đến sân bay thì đã trễ. Khi gia đình đã qua tuốt miền Đông, tôi vẫn bị kẹt ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Do học Đại học Văn khoa, khoa Văn chương Anh, nên tôi tự nguyện gia nhập tổ chức giúp người tị nạn.
Tình cờ gặp anh phóng viên người Mỹ đã quen từ khi ở Sài Gòn. Qua anh ta, tôi nhận lời giúp hai cô nhi lai Việt Nam để không phải ở trong trại lâu. Đó là chuyến bay dài nhất, khó quên nhất trong đời tôi.
Chưa làm cha, vậy mà cùng một lúc tôi phải chăm sóc hai đứa trẻ 7 tháng tuổi, cứ vài tiếng lại cho chúng ăn một lần, rồi cho đi vệ sinh, dỗ nín khóc, ru ngủ … Đến khi đặt được chân lên nước Mỹ, thì tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh: Nơi đây không phải thiên đường, chỉ có vui chơi, tình yêu như mình xem phim. Trong túi còn đúng 30USD, tôi hoang mang, sợ hãi, thấy tương lai thực sự rất mơ hồ.
Đâu là trạm dừng chân đầu tiên của anh?
San Francisco. Anh bạn phóng viên đã giới thiệu tôi đến ở nhà bạn của anh ta. Nhưng ở đến ngày thứ 3 thì họ nói: “Anh phải đi kiếm việc làm, chứ chúng tôi không thể nào giúp anh thêm được!”.
Và anh bắt đầu lên kế hoạch cho 30USD?
Tôi giữ kỹ 30USD trong túi và cân nhắc tiêu từng cent. Gọi một cuộc điện thoại chỉ có 10 cent, nhưng phải đắn đo như một quyết định trọng đại. Số tôi cũng may mắn, đọc trên trang vàng, tìm được một Nhà hàng Việt Nam. Họ hỏi tôi có kinh nghiệm làm nhà hàng không? Tôi nói dối là có và xin làm bất cứ việc gì, miễn cho tôi ngày hai bữa cơm và một chỗ nằm. Thế là họ cho tôi vào trong bếp.
Ông bếp chính là một tay cờ bạc bên Tây trốn nợ không biết tiếng Mỹ, mà ông ấy khoái quá, thế là hai bác cháu tỉ tê với nhau, từ đó ông ấy dạy tôi nấu ăn. Cũng nhờ khá tiếng Anh, lại nhanh nhẹn, nên 1 tuần sau tôi được lên chức phục vụ viên.
Những ngày ảm đạm nhất của anh trên đất Mỹ cũng chỉ là bị “mời khéo” ra khỏi nhà với 30 USD trong túi?
Trước khi tìm được việc làm, tôi đã ở phòng dành cho những người trẻ bần cùng nhất. Cái phòng mà sáng thức dậy vươn vai thì hai tay đụng vào hai bên tường. Đi ăn phải xếp hàng vào Nhà thờ. Vì từ năm 4 tuổi tôi đã phải lang thang sống hết với cô lại đến bác, nên tôi lì lợm lắm, chưa bao giờ biết khóc.
Cho đến ngày vào Nhà thờ xếp hàng xin ăn, tôi thấy sự tự lập của mình chưa đủ để đối chọi, và lần đầu tiên trong đời tôi đã khóc, mà khóc thê thảm, khóc rống lên vì tủi phận. Lúc kẹt, xếp hàng xin ăn cũng không sao, nhưng những hình ảnh diễn ra trước mắt làm tôi không thể dằn lòng được. Đói quá, họ cướp giật của nhau, cả đám loạn lên, như không còn là đồng loại của nhau nữa.
Khóc xong, tôi lang thang ngoài công viên. Gặp người bạn Cu Ba, tôi than phiền. Anh bạn đó lại dội một gáo nước lạnh làm tôi tỉnh hẳn người: “Này anh, tôi cũng cực khổ như anh. Nếu chúng ta cực khổ, rồi không đi lên được thì chúng ta sẽ rơi xuống hố. Còn nói chuyện buồn, thì anh đừng gặp tôi nữa nhé!”. Từ sự thức tỉnh đó, tôi đi tìm việc làm, đi học trong một trạng thái hết sức tươi vui.
2. Hôn nhân – gia đình nhạc sĩ Đức Huy
– Nhạc sĩ Đức Huy gặp Thảo My và “Con tim đã vui trở lại”?
Nhờ chơi nhạc và nổi tiếng từ khi còn ở Việt Nam, nên qua một người Đại Hàn, tôi gia nhập giới chơi nhạc San Francisco, vừa hát vừa đàn cho một ban nhạc ngoại quốc ở Hollyday in. Rồi tôi trở thành người du mục, hết sống ở San Fancisco, chuyển qua Cali, Hawai, rồi lại về Cali.
Trong những chuyến đi đó, tôi gặp, yêu và cưới Thảo My. Chúng tôi đã có 3 đứa con xinh xắn. Hai vợ chồng mở phòng thu, được 10 năm thì kỹ thuật vi tính phát triển, việc làm ăn trở nên khó khăn. Tình hình ban nhạc ở Mỹ cũng rất ảm đạm, chỉ có trung tâm lớn mới sống sót, mình bé nhỏ càng trở nên oặt ẹo.
Chúng tôi quay sang mở nhà hàng, trong đó tôi đóng đủ vai trò, từ nấu bếp, dọn dẹp, bưng bê đến trình diễn văn nghệ. Một cuộc chia tay thường bắt đầu từ tình hoặc tiền. Cuộc chia tay của chúng tôi rơi vào lí do thứ 2!
Khi hôn nhân tan vỡ, người ta vẫn quen đổ lỗi cho đồng tiền, và cố tình quên trách nhiệm, tình cảm của mình?
Thôi, lỗi của tôi nhiều, gần như hoàn toàn! Công việc không quen, lại cực nhọc, tất cả chồng chất lên vai, lúc nào tôi cũng lo lắng, không viết được nhạc. Tôi trở thành con người nóng nảy, nói chuyện với đồng nghiệp, với vợ thiếu nhỏ nhẹ, luôn tạo nên sự căng thẳng. Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy xa nhau. Xa quá, đến một ngày giật mình không biết mình có phải người lạ hay không? Muốn cứu vãn nhưng đã trễ. Tôi nhận lỗi của mình, và gắng để tâm hồn được bình an. Bây giờ tôi mê thuyết Phật, cố tu, kiểm soát sự nóng giận của mình.
– Nhạc sĩ Đức Huy và ca sĩ Thảo My chia tay vì kinh tế khó khăn
Nói đến Đức Huy, người yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến hình ảnh chàng nhạc sĩ lãng tử trổ ngón đàn guitar điêu luyện, thả hồn mình vào mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu do anh sáng tác.
Như bao người làm việc sáng tạo nghệ thuật, Đức Huy cũng có nàng thơ của riêng mình. Nhưng sẽ thật bất ngờ khi biết được nàng thơ trong giai đoạn sáng tác đỉnh cao của anh không phải cô gái xinh đẹp đầy sức sống mà lại là biển khơi mênh mông vô tận, là những đêm trăng, biển trời hòa quyện, tạo cho chàng nhạc sĩ trẻ những cảm xúc đẹp.
Có thể thấy, tình yêu trong nhạc Đức Huy có vui, có buồn nhưng sự buồn ấy chỉ thoáng qua, nhẹ nhàng. Ngay cả khi nói đến sự chia tay, anh cũng muốn gieo vào lòng người nghe niềm tin, hy vọng. Vì lẽ đó dù nổi lên giữa thời kỳ nhạc vàng, nhạc xưa hưng thịnh thì nhạc của Đức Huy là mảng màu tươi sáng, khác biệt và ấn tượng.
Anh chàng siêu “học lỏm”
Nhìn lại hơn 50 năm gắn bó với âm nhạc, dường như ca sĩ – nhạc sĩ Đức Huy có phần khiêm nhường khi cho rằng mình là người may mắn chứ không có tài năng đặc biệt. Cả gia đình anh không ai có năng khiếu âm nhạc và một cậu bé Vũ Đức Huy cũng không bộc lộ năng khiếu gì.
Cậu bé luôn chất chứa những nỗi niềm không thể giãi bày khi sống cùng mẹ và dượng vì bố mẹ chia tay khi mới lên 5. Trước khi định cư ở Sài Gòn, cả nhà Đức Huy liên tục thay đổi chỗ ở theo nơi đóng quân của dượng. 6 tháng đến 1 năm lại thay đổi chỗ ở một lần khiến tâm hồn của anh vốn nhạy cảm càng nhạy cảm hơn.
Mỗi buổi chiều, cậu thường nhìn về phía trời xa và tự hỏi: “Mình sẽ đi tới đâu nữa?”. Sau 7 năm dịch chuyển, năm 1961 nghe dượng thông báo: “Chúng ta sẽ ở lại Sài Gòn”, Đức Huy sung sướng, chạy ngay đi khoe với nhóm bạn thân.
Sống trong căn nhà xinh xắn trên đường Võ Di Nguy (bây giờ là Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP. HCM) quả là địa lợi và nhân hòa giúp anh đến với âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, anh họ của Đức Huy, tác giả Bài thánh ca buồn, là người chỉ cho Đức Huy những nốt nhạc đầu tiên trên cây guitar.
Đức Huy mê đàn guitar như thỏi nam châm hút sắt. Anh nhìn đàn anh chơi đàn, học lỏm rồi về nhà tự luyện. Có ngày, anh nghe đĩa nhạc tới 40 lần chỉ để tìm cho ra những hợp âm trong bài hát. Nếu không bận rộn với việc học ở trường, anh thường dành hơn nửa ngày chơi với cây đàn thân yêu.
Để có thêm kiến thức, Đức Huy để dành tiền tiết kiệm ra rạp xem phim ca nhạc của các nhạc sĩ tài năng thời đó như Cliff Richard hay nhóm The Shadows. “Tôi xem nhiều đến mức nhớ được cách xử lý của các bậc thiên tài với đoạn cao trào, kịch tính. Tôi ghi nhớ từng giai điệu rồi về nhà tập theo. Tập chưa được, lại chạy ra rạp mua vé xem”, nhạc sĩ mỉm cười nhớ lại.
Học guitar muộn nhưng do chăm chỉ tập, Đức Huy nhanh chóng tiến bộ. Dân chơi nhạc Sài Gòn kháo nhau về anh: “Cậu này khá lắm, chỉ học lỏm mà không kém dân trường lớp”. Khả năng học lỏm của Đức Huy nổi tiếng khiến một vài đàn anh e ngại, cứ thấy chàng trai trẻ đến gần liền quay lưng lại giấu tay trái bấm hợp âm giữ nghề. Đức Huy cười giòn, bảo: “Họ nghĩ quay đi là giấu được tôi nhưng không đâu, tai nghe của tôi khá tốt, chỉ cần nghe là đoán được rồi”.
Chăm chỉ tập luyện, kỹ năng tiến bộ nhanh chóng nên Đức Huy ứng tuyển vào vị trí khuyết của ban nhạc đình đám Sài Gòn bấy giờ Les Vampires thì được nhận ngay. Trong 6 chàng trai của nhóm nhạc, Đức Huy trẻ nhất – 16 tuổi, học trường Chu Văn An trong khi tất cả đều là dân trường Tây.
Đến khi vào Đại học Văn khoa, Đức Huy tham gia vào nhiều ban nhạc nổi tiếng khác như Crazy Boys, Spotlights, Strawberry Four, Revolution… Không chỉ là nhạc công, Đức Huy còn được khán giả yêu thích trong vai trò ca sĩ. Sáng tác đầu tay của anh Cơn mưa phùn (năm 1969) khi trình diễn cùng ca sĩ Thanh Tuyền được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh mộc của cặp song ca, cùng chơi guitar, hát ca khúc nhẹ nhàng về tình yêu in sâu trong tâm trí nhiều khán giả. Từ đây, Đức Huy xác định con đường mình đi là trở thành ca – nhạc sĩ.
Bắt đầu lại trên đất Mỹ
Tốt nghiệp đại học, biểu diễn khắp các tụ điểm trong thành phố, tưởng rằng cuộc sống của Đức Huy sẽ êm đềm, phẳng lặng nhưng sự dịch chuyển tiếp tục đến với chàng trai có gương mặt thư sinh này. Năm 1975, Đức Huy sang Mỹ nhờ sự giúp đỡ của một phóng viên người Mỹ nhưng đến San Francisco ngày đầu thì ngày thứ hai, anh được gia chủ thông báo: “Anh phải đi làm”. Tất nhiên, mọi thứ quá bỡ ngỡ, chưa thể kiếm được việc làm nên ngày thứ hai anh phải xếp hàng ở nhà thờ nhận cơm từ thiện.
Nhạc sĩ của Người tình trăm năm nhớ mãi, đó là bữa cơm anh mắc nghẹn nhiều nhất. Tối về, nằm trên căn gác nhỏ mà nước mắt ướt đẫm gối vì tủi và lo. Hôm sau, anh tiếp tục xếp hàng xin việc và tự nhủ: “Ngày mai rồi sẽ khác”. Bầu trời tương lai của Đức Huy quả thật đã bớt u ám khi anh xin được việc ở một nhà hàng Việt Nam. Anh không chỉ có cơm ăn, chỗ ở mà còn được ông chủ dạy nấu ăn.
Cũng như nhiều người sang Mỹ định cư sau 1975, Đức Huy phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Vì thế, 10 năm sau ngày rời Việt Nam là những sự thay đổi công việc liên tục. Sau khi làm phục vụ trong nhà hàng, anh làm thư ký lưu trữ hồ sơ. Nghe tin một nhà hàng Trung Hoa tuyển nhạc công biết hát tiếng Anh, anh liền đến thử sức. Lúc nhận lương cao gấp 4 lần làm hành chính, có tiền dư dả, anh đầu tư cho chuyên môn bằng việc đăng ký học đàn guitar, sản xuất nhạc.
Để được nhận hát trong bar của người Nhật, anh phải lao vào tự học tiếng Nhật, tập hát tiếng Nhật. Vốn giỏi về ngôn ngữ và có năng khiếu tự học nên chỉ sau vài tháng, Đức Huy nói trôi chảy khiến nhiều người tưởng anh đến từ xứ sở hoa anh đào. Công việc tạm ổn nhưng Đức Huy không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lẻ loi mỗi khi trở về phòng trọ.
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ sân khấu làm anh bần thần nhiều đêm đến mất ngủ. Trong một lần trăn trở như thế, bài hát Và tôi cũng yêu em ra đời. Đức Huy có thói quen chỉnh sửa bài hát nhiều lần trước khi hoàn thiện nhưng riêng bài hát gắn liền với tên tuổi này thì hầu như không thay đổi. Bài hát này được anh chuyển thể sang tiếng Nhật được khán giả tại quán bar vô cùng yêu thích.
5 năm lênh đênh trên biển
Ở Việt Nam là thời gian Đức Huy trau dồi kỹ năng đàn thì 5 năm (1984– 1989) lênh đênh trên biển từ Hawaii, Tahiti, Caribbean, Jamaica, Mexico… lại là quãng thời gian đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Trên chiếc tàu du lịch, chở cả nghìn hành khách, cắm cờ Liên Hiệp Quốc của 64 quốc gia, Đức Huy đảm nhận vai trò ca – nhạc sĩ.
Hàng ngày đàn và hát tiếng Anh trong các bữa tiệc của người nước ngoài, nhận lương cao, tưởng rằng sẽ khiến anh quên nhạc Việt, quên cả việc sáng tác. Trên thực tế, chính lúc sống những ngày hè nhuộm nắng ấy, lại là nguồn cảm hứng để anh sáng tác hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Người tình trăm năm, Một tình yêu, Để quên con tim, Tiếng mưa đêm…
Vào những đêm trăng sáng, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, Đức Huy một mình ra sau boong tàu, ngắm vẻ đẹp của biển đêm, trời đêm và cảm tác. Sau này rời tàu, anh tập hợp 10 bài hát làm album Người tình trăm năm thì đến 6 bài tạo hit.
Đức Huy thành công trong các sáng tác là nhờ giai điệu nhẹ nhàng, dễ thấm, cấu trúc bài hát chặt chẽ, lời lẽ dung dị, ngắn gọn mà sâu sắc. Viết về tình yêu, anh không sa đà kể khổ hay ca ngợi thái quá mà nhìn với con mắt tươi trẻ, lạc quan, bình thản. Tư tưởng này Đức Huy ảnh hưởng từ triết gia Phạm Công Thiện từ khi học tại Đại học Văn khoa.
Năm 1989, Đức Huy gặp Thảo My và hai năm sau thì trở thành vợ chồng. Trong thời gian yêu đương, anh đã sáng tác tặng cô 3 bài: Đừng xa em đêm nay, Những đêm trăng tròn, Còn mãi thương yêu… Đừng xa em đêm nay qua tiếng hát của Thảo My tạo hit ngay sau khi phát hành. Nhờ đó, vợ anh vốn là ca sĩ nghiệp dư đã trở nên đắt sô trong cộng đồng hải ngoại.
Tôi và vợ nể trọng nhau
Sau khi kết hôn, vợ chồng Đức Huy – Thảo My chuyển hướng sang kinh doanh như mở phòng thu, mở tiệm studio, nhà hàng nhưng kết quả không như mong đợi. Kinh tế khó khăn chính là yếu tố khiến vợ chồng anh ngày càng xa cách. Hậu ly hôn, vợ và ba con sống ở Mỹ, Đức Huy về Việt Nam.
Sau thời gian dài cô đơn, nhạc sĩ tìm được tình yêu bên người vợ kém mình hơn 40 tuổi, vốn là fan của anh. Đức Huy thoải mái chia sẻ về tình yêu mới nhưng tuyệt đối không đưa ảnh vợ lên báo. Anh bảo: “Các con không phản đối tôi có người mới nhưng tôi không muốn làm chúng tổn thương”.
<?> Mối tình Đức Huy – Thảo My quá đẹp khiến khán giả không khỏi tiếc nuối khi anh chị chia tay. Vậy sau này, Thảo My có ý kiến gì về việc anh kết hôn và có con với vợ sau kém mình nhiều tuổi?
– Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau như bạn bè. Thảo My chưa bao giờ đề cập chuyện này khi nói với tôi, chỉ có ba đứa con. Ban đầu chúng đòi bố phải giải thích đấy nhưng bây giờ chúng lớn, hiểu hơn nên không thắc mắc nữa. Tôi ở Việt Nam nhưng vào dịp trọng đại của các con, tôi vẫn có mặt. Tôi vừa trở về Mỹ để mừng con gái tốt nghiệp đại học. Tôi và Thảo My vẫn trao đổi thường xuyên về chuyện con cái.
<?> Anh trải nghiệm nhiều, lại là người sâu sắc, tinh tế thì việc gắn bó với người phụ nữ quá trẻ liệu có tìm được sự đồng cảm?
– Sự khác biệt của tuổi tác giữa chúng tôi hơn cả sự khác biệt của họa sĩ Picasso và vợ. Sống với nhau quan trọng là cả hai phải có sự trọng nể nhau. Tôi rất nể vợ vì cô ấy còn trẻ nhưng chín chắn, không đua đòi, tâm trí chỉ dành cho chồng con. Tôi bị suy tĩnh mạch hay con bị ra mồ hôi lưng, cô ấy đều tìm đủ mọi cách chữa trị. Khi cô ấy muốn chăm lo cho ai đó thì không có sự gì mà không hiểu.
<?> Làm cha ở tuổi 66 có khiến anh vất vả vì cảnh cha già con mọn không?
– Tôi sống từng ngày, hạnh phúc từng ngày nên không điều gì khiến cuộc sống của tôi nặng nề. Con trai Vinh Sơn hơn 2 tuổi đáng yêu, sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, rất quấn tôi. Từ ngày có con, tôi ít gặp gỡ bạn bè, nhậu nhẹt. Có con, tôi càng có động lực làm việc nhiều hơn đấy.
<?> Sau bài “Tiếng đàn guitar” năm 2013, đã lâu anh chưa ra mắt ca khúc mới dù sáng tác nhiều. Anh có nghĩ sự cẩn trọng làm mình mất nhiều cơ hội?
– Tôi chưa bao giờ xem việc mình có những bài hát khán giả yêu thích là mình “lớn chuyện”. Tôi cũng không muốn bon chen, chạy đua với ai. Khi nào hài lòng về tác phẩm tôi mới công bố. Vừa qua nhạc sĩ Huy Tuấn mời tham gia Bài hát yêu thích mà mãi tôi mới can đảm nhận lời. Tôi ngại thi thố. Có một câu hỏi tôi hay nói với mọi người là lên bao nhiêu mới là cao, xuống bao nhiêu là thấp và thiếu bao nhiêu là thốn. Cuộc sống thì tương đối thôi, cứ tùy duyên mà làm.
– Để lại các con ở Mỹ, anh về nước.
Vì với anh, tự do ngọt ngào hơn con cái?
Các con tôi là tất cả đối với tôi. Đến giờ, cái thiếu sót lớn nhất của cuộc đời tôi là không được sống gần con. Tôi đã phải dứt lòng khi ra đi. Ở Mỹ làm đĩa nhạc đã khó, còn những cái không phải nhạc thì lại khó làm, nhất là đối với một người như tôi, không đủ can đảm và kiên nhẫn để ngồi làm việc trong văn phòng. Vậy nên tôi phải làm cái gì đó để vừa cứu mình, mà lại lo được cho các con, đó là về Việt Nam. Hành động này cụ thể và trách nhiệm hơn nhiều.
Một người mà sự đào hoa toát ra từ phong thái, tâm hồn, giọng hát như anh, chắc ít khi tình yêu bị “bỏ đói”?
Nhiều người, nhất là phụ nữ, họ hay nói “chúng tôi rất thích những bài hát của anh”, chứ ít ai nói “tôi thích anh”. Đào hoa phải là người bảnh bao, cao ráo, biết chơi, tối đến chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Còn tôi, không bảnh bao, không cao ráo, không thích chỗ đông người, thường “trở về với riêng ta một mình”.
– Chân dung người vợ trẻ hơn 44 tuổi của nhạc sĩ Đức Huy
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Đức Huy, vợ của anh là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt.
Sau cuộc hôn nhân với nữ ca sĩ Thảo My, nhạc sĩ Đức Huy quyết định tái hôn ở độ tuổi lục tuần, với một cô gái kém 44 tuổi.
Trước khi kết hôn, 2 người đã có khoảng thời gian 3 năm để tìm hiểu và đi đến quyết định quan trọng này. Hiện tại, con trai của hai người đã được khoảng 4 tuổi.
Vốn là một người khá kín tiếng và không thích chia sẻ cuộc sống riêng tư, nên trong suốt thời gian chung sống, rất hiếm khi người ta thấy nhạc sĩ Đức Huy và vợ “xúng xính” bên nhau như nhiều cặp vợ chồng khác của showbiz.
Nếu có xuất hiện, vợ Đức Huy luôn lặng lẽ theo dõi và ủng hộ ông xã ở dưới hàng ghế khán giả. Giống như trong chương trình “Thay lời muốn nói” kỉ niệm 17 năm phát sóng với các tình khúc của nhạc sĩ Đức Huy tối 9/4 vừa qua.
Giản dị, kiệm lời và rất yêu con
Vợ nhạc sĩ Đức Huy là người rất giản dị. Đức Huy cho rằng, chính điều giản dị hiếm thấy của một cô gái ở độ tuổi trẻ như vậy khiến anh cảm thấy yêu thương và trân trọng.
Đức Huy kể, dù tuổi đời vợ anh còn khá trẻ nhưng lại là một người chín chắn, biết cách sống, cách ứng xử, bằng lòng với những cái mình có, không thích chỗ đông người và thích ở nhà hơn đi ra ngoài. Cô cũng là một người kiệm lời.
Thế nhưng, bên trong con người giản dị một cách chín chắn lại là một người khá “lãng tử”. Bởi như vị nhạc sĩ nói: “lãng tử thì mới theo tôi được chứ”.
Ở bên một người vợ như vậy, Đức Huy cảm thấy yêu đời, làm việc hăng say hơn và có động lực trở thành một người tốt, biết chăm lo cho chính mình và những người xung quanh.
Khác với rất nhiều cô gái trẻ đồng trang lứa thích đi mua sắm hay du lịch khác, vợ Đức Huy thích làm việc nhà, chăm sóc con cái, thường xuyên tìm hiểu thông tin để có thể nuôi dạy con tốt nhất.
Đồng cảm và nhẫn nhịn
Tuổi tác chênh lệch không hề ít, tưởng rằng giữa 2 người sẽ có nhiều khập khiễng về suy nghĩ, quan điểm, cách ứng xử…
Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải vậy. Đức Huy khẳng định, 2 vợ chồng anh có rất nhiều điểm tương đồng. Đức Huy tìm thấy ở người vợ thứ hai những điểm chung từ cách sống đến ứng xử hàng ngày.
Thêm một điều đặc biệt nữa, là dù lấy vợ trẻ nhưng Đức Huy lại luôn là người được “nhịn”. Anh kể, nếu anh nói nói gì không đúng, vợ sẽ nhẫn nhịn im lặng. Sau đó khoảng 2-3 ngày cô mới nhẹ nhàng tâm sự với chồng, nói với anh những điều chưa đúng.
Có đôi khi cũng chẳng cần chờ đến khi vợ nói, Đức Huy nhìn vào sự nhẫn nhịn trước những việc làm sai, thấy thương vợ nên chủ động xin lỗi trước.
Trong mối quan hệ với vợ cũ và con riêng của chồng, người vợ trẻ cũng có những hành động rất đáng trân trọng.
Theo lời của Đức Huy thì vợ luôn ủng hộ anh việc liên lạc với gia đình cũ. Thậm chí còn thường xuyên nhắc anh việc lo tròn bổn phận, trách nhiệm với 3 người con đang sống tại Mỹ.
Trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ và những cuộc tình “chưa đến đầu đến đũa”, Đức Huy gặp được người phụ nữ khiến anh nhận ra những giá trị chân thực của cuộc sống và có cảm hứng cho những điều tốt đẹp.
Dù cô không sở hữu nhan sắc như một hot girl hay thân hình nóng bỏng như siêu mẫu, nhưng sự chín chắn, thấu đáo hiếm có ở một người phụ nữ trẻ khiến người nhạc sĩ tài hoa ấy tin rằng đã tìm thấy “vợ đích thực” của mình.
Cuộc sống hiện tại của anh rất bình dị, hằng ngày, ngoài đi diễn, anh dành trọn thời gian còn lại cho gia đình nhỏ.
– Tuổi 70, nhạc sĩ Đức Huy sắp đón con gái thứ 2 cùng vợ kém 44 tuổi
Sắp chào đón con gái thứ 2 với bà xã 9X kém 44 tuổi, nhạc sĩ Đức Huy không khỏi xúc động chia sẻ niềm vui với mọi người.
Nhạc sĩ Đức Huy sinh năm 1947, ông từng trải qua cuộc hôn nhân với ca sĩ hải ngoại Thảo My và có 3 người con. Người vợ trẻ hiện tại của nhạc sĩ sinh năm 1991, trước đây cô từng là fan kiêm luôn vai trò trợ lý của Đức Huy. Được biết, cặp đôi đã có 3 năm tìm hiểu trước khi về chung sống một nhà và có chung với nhau một đứa con trai 5 tuổi kháu khỉnh tên là Vinh Sơn.
Xuất hiện cùng MC Kỳ Duyên, ca sĩ Tuấn Ngọc, ca sĩ Thanh Hà trong một sự kiện mới đây, nhạc sĩ Đức Huy xúc động khi nói việc sắp chào đón con gái thứ 2 cùng người vợ trẻ kém 44 tuổi.
Trước đó, khi bà xã kém tuổi lần đầu có con, nhạc sĩ Đức Huy thoáng chút lo lắng bởi cảnh cha già con mọn nhưng ông vẫn vô cùng mãn nguyện vì “trái ngọt” trong cuộc hôn nhân với vợ trẻ. Trong khoảng thời gian bà xã 9X mang bầu lần 2, nhạc sĩ tuổi 70 cũng hạn chế nhận lời mời làm giám khảo để chăm sóc vợ nhiều hơn.
Nam nhạc sĩ cũng cho biết, gia đình ông đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón thành mới.”Thằng bé nhà tôi đã chuẩn bị tâm tư, trách nhiệm để làm anh rồi. Chúng tôi còn chưa quyết định đặt tên cho bé thì anh trai nó đã đặt là Mimi (cười lớn). Thậm chí đòi bố mẹ mua sẵn đồ chơi cho em gái sắp chào đời” – Đức Huy cho biết.
Trước đó, nhạc sĩ Đức Huy từng tâm sự, cuộc sống hôn nhân của mình với vợ 9x rất hòa hợp. Tác giả ca khúc Và tôi cũng yêu em cũng được ngưỡng mộ vì còn rất phong độ, nhanh nhạy ở tuổi 70.
“Tôi luôn học hỏi vì biết mình còn rất nhiều điều kém cỏi. Thú thật tôi không thích facebook nhưng vẫn phải cảm ơn nó vì những người bạn đã chia sẻ cho tôi bí quyết tăng thêm nội lực, tinh thần. Khi tinh thần tốt, cả cơ thể bạn chỉ phục vụ nó thôi. Ở tuổi này, tôi cũng bị vài vấn đề như tê chân, suy tĩnh mạch, đau cột sống… tôi có niềm tin đi tìm và cuối cùng đã gặp thầy gặp thuốc. Tôi không thích kiểu ngồi một chỗ rồi tự an ủi: “Thôi, tuổi này vậy là tốt lắm rồi” – nam nhạc sĩ cho hay.
– Nhạc sĩ Đức Huy khoe con trai 2 tuổi với vợ mới kém mình 44 tuổi
Sau nhiều lần úp mở, mới đây nhạc sĩ Đức Huy đã lên tiếng thừa nhận mình tái hôn 2 năm trước, với một cô gái kém 44 tuổi. Hiện 2 người đã có cậu con trai 2 tuổi kháu khỉnh và đáng yêu.
Mới đây, nhạc sỹ Đức Huy gây bất ngờ cho người hâm mộ khi lên báo chia sẻ tin anh vừa có thêm con trai ở tuổi 68 với người vợ trẻ ít hơn đến 44 tuổi.
Hai người đã có cậu con trai kháu khỉnh, nay bé đã 2 tuổi
3. Sự nghiệp nhạc sĩ Đức Huy
– Đêm tự họa chân dung nhạc sĩ Đức Huy
Lời ca và tự sự về chuyện đời của Đức Huy, bắt đầu từ cảm xúc của một chàng trai trẻ, khi loáng thoáng nhận ra tình yêu đầu đời là dành cho âm nhạc, đã gây nhiều xúc động cho khán giả trong live concert “Và con tim đã vui trở lại”, tối 21/12.
Chương trình diễn ra tại sân khấu Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Ngay khi mở màn, Đức Huy bày tỏ mong muốn mọi người khán phòng lớn của nhà hát như một ngôi nhà nhỏ, nơi giữa nhạc sĩ và người nghe không còn ranh giới, có thể kể cho nhau nghe những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống.
Chuyện đời người nghệ sĩ bắt đầu khi anh nhận ra niềm đam mê âm nhạc trong mình. Cơn mưa phùn, ca khúc đầu tay từng thu hút đông đảo khán giả Sài Gòn xưa, được hát lại với cảm xúc trọn vẹn. Tiếp theo là loạt tình khúc lãng mạn, bay bổng gắn với tên tuổi Đức Huy như: Bay đi cánh chim biển, Hoang vu, Giấc mơ trong mộng, Người tình trăm năm…
Ít ai biết tác phẩm đầu tiên mà nhạc sĩ viết là Khóc hạ, “chào đời” năm 1967 nhưng đến năm 1998 mới được “cha đẻ” của nó công bố với tên gọi Vườn địa đàng. “Đó là một vườn địa đàng thật trống vắng, chỉ có mình tôi ôm đàn và hát những bản tình ca của mình”, Đức Huy tâm sự.
Như một định mệnh, hầu hết các sáng tác của anh đều buồn, khi nặng trĩu, lúc man mác. Không chỉ xuất phát bằng tình yêu lứa đôi, cái buồn còn là nỗi chạnh lòng của người con tha hương. Khóc một dòng sông khởi nguồn từ cảm xúc ấy.
Nhạc sĩ cũng tâm sự về quãng thời gian từ 1985 đến 1990, anh bỗng chán nhạc và theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Nhưng sự đón nhận quá nồng nhiệt của khán giả dành cho ca khúc Để quên con tim đã kéo Đức Huy về với âm nhạc, tiếp tục sáng tác, trình bày và chia sẻ trải nghiệm của mình với người đồng cảm.
Khóc một dòng sông và Để quên con tim là 2 ca khúc mới nhất của Đức Huy được phép phổ biến tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu, các tác phẩm này được thể hiện trên sân khấu lớn.
Nói về ca khúc Đừng xa em đêm nay, viết theo thể loại bolero, nhạc sĩ cho biết không phân biệt đâu là nhạc sến hay sang, nhạc xưa hay hiện đại. “Mỗi người có một gu thưởng thức âm nhạc và điều quan trọng là lời ca của một ca khúc phải khiến người nghe suy nghĩ và thấm thía cuộc đời”, anh nói. Câu hát “Đừng xa em đêm nay” cất lên lập tức nhận tràng vỗ tay đồng cảm từ khán giả.
Theo người nghệ sĩ đào hoa này, sự cổ vũ của khán giả cùng hoạt động sôi nổi của thị trường âm nhạc trong nước đã giúp anh sống lạc quan và muốn ca hát nhiều hơn.
“Những khi về nước, tôi rất thích được chu du đây đó, vào Nam ra Bắc để thấy được sự chất phác, thật thà của những người dân quê. Nơi đó, tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của cuộc sống. Mỗi chuyến đi là cơ hội giúp tôi thêm vốn sống để sáng tác”, Đức Huy tâm sự. Anh cũng chia sẻ nguyện vọng được mau chóng trở về Việt Nam sinh sống.
Chính những tình cảm chân thành của nhạc sĩ đã làm cho đêm “live concert” đầu tiên của anh tại quê nhà trở nên nồng ấm. NSƯT Thành Lộc, người đảm nhận vai trò nối kết nội dung chương trình, góp phần làm đêm diễn thêm phần sinh động bằng tài nói khéo léo và hài hước của mình.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng tham gia chương trình với tư cách khách mời duy nhất, hát cùng Đức Huy. Cô nhận được khá nhiều lời khen từ khán giả, dù cách hát quá mạnh, bày tỏ cảm xúc hơi “lộ” của cô phần nào làm giảm đi sự nhẹ nhàng, dìu dặt của ca khúc Đừng xa em đêm nay hay Mùa xuân trong đôi mắt em.
Hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa với 6 cây guitar và chỉ một trang phục áo thun trắng, quần jean xanh, đã giữ chân hầu hết khán giả nán lại đến phút cuối chương trình.
“Nghe nhạc Đức Huy nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết nguồn gốc và cảm hứng giúp anh viết các ca khúc này. Điều đó giúp tôi hiểu và yêu hơn các sáng tác của anh”, chị Phương Loan, nhân viên ngân hàng Sacombank, nói.
Đó cũng là điều mà nhạc sĩ bày tỏ: “Hạnh phúc đôi khi đơn giản lắm. Đó có thể là hành động mang đến niềm vui dù chỉ cho một người”.
– Trong ngôi nhà âm nhạc của Đức Huy
Đi xem đêm nhạc Và con tim đã vui trở lại còn được nghe… tấu hài! Bởi nhạc sĩ Đức Huy ngoài sáng tác, hát, chơi đàn còn có tài nói lái và kể chuyện tiếu lâm. Thêm sự dẫn dắt tung tẩy của Thành Lộc khiến cho cứ ngừng nhạc là sân khấu lại tưng bừng như Idecaf!
Nhưng live in concert Và con tim đã vui trở lại trong các đêm 21- 22/12 tại NH Hòa Bình (TPHCM) là đêm nhạc hiếm hoi kéo dài suốt 3 giờ mà khán giả kiên trì ngồi xem.
Càng về cuối càng dồn dập bài hay, người ta hẳn phải… yêu Đức Huy lắm nên để sân khấu “sạch” – không treo logo quảng cáo.
Những bài hát với ca từ giản dị của Đức Huy cũng không cần sân khấu rườm rà: một vài mảng miếng cách điệu của khung đàn, khung tranh và ánh sáng màu xử lý tốt. Thành Lộc thú nhận ở tuổi 20 nghe Bay đi cánh chim biển đã bị ám ảnh, sau này còn lấy bài hát đó làm chủ đề cho đoạn kết của một vở kịch trên Idecaf (vở Hãy khóc đi em chăng?). Bài hát ấn tượng đến nỗi bạn bè cũng gọi Đức Huy là “cánh chim biển”.
Nhưng “đứa con đầu lòng” của Đức Huy là bài Cơn mưa phùn thì bị Thành Lộc xoáy: “Tôi thấy trong lời bài hát có hình ảnh người con gái úa tàn, còn anh, anh cứ… phây phây ra à?!”.
Đức Huy cãi: “Đâu có, sau này viết nhiều bài hát tôi cũng úa tàn theo đấy chứ!”. Thành Lộc tố tiếp: “Hình như anh có đứa con rơi?”, Đức Huy thừa nhận: “Cơn mưa phùn là bài đầu tiên nhưng bài thai nghén trước đó lại là Khóc hạ.
Màn ảnh lớn trên sân khấu cũng cho khán giả gặp lại những bức ảnh đen trắng của Đức Huy và bè bạn (trong đó có Tuấn Ngọc) thời những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Đức Huy từng nhập nhóm nhạc Những con dơi, Những chàng trai điên rồi nhóm Bốn trái dâu…
Nhạc Đức Huy mau thuộc, dễ hát và hát dễ hay, nam hát cũng hợp, nữ hát cũng hợp mà song ca cũng được. Thành Lộc thắc mắc: “Như thế nhạc của anh có bị… phi giới tính không. Anh có tự ái không?”. Hồ Ngọc Hà nhập nhạc của Đức Huy hơi yếu, càng về sau càng tốt hơn, khả năng biểu cảm tốt nên xóa đi những bỡ ngỡ ban đầu.
Lắng đọng nhất có lẽ là hồi tưởng quãng thời gian 5 năm Đức Huy lênh đênh trên du thuyền tại Hawaii: “Ở California nhiều khói xe nên tôi bị viêm xoang. Bay đến Hawaii, khi mở cửa nhìn ra rặng dừa xanh, tôi có cảm giác bắt đầu thở được”.
5 năm trên tàu du lịch hát toàn nhạc Mỹ, ít được giao lưu với người Việt, cuộc sống quá khó khăn và đôi khi anh đã nghĩ giã từ nghiệp sáng tác nhạc để cầm máy ảnh hoặc làm đồ gốm. Đêm khuya Đức Huy thường ôm đàn lên boong hát Tình sầu, Lệ đá để rồi vỡ ra Ngày rời Cali anh đã bỏ quên con tim…
Năm tháng lênh đênh ấy, Đức Huy không biết rằng những bài Để quên con tim, Người tình trăm năm… của mình trở nên rất phổ biến trong đất liền. Thế rồi đúng dịp Giáng sinh, người ta chuyển anh lên ở gần phòng máy của tàu, tiếng ồn khiến anh có cảm giác phát điên, anh quyết định trở lại California từ đó.
Nhưng trong suốt 32 năm ở Mỹ, nỗi nhớ quê hương trong Đức Huy mới là sâu đậm nhất, trong đêm nhạc này anh đã có dịp hát lại 2 bài vừa được phép phổ biến là Để quên con tim và Khóc một dòng sông.
Phút xuất hiện của nhạc sĩ Nguyễn Vũ- anh họ của Đức Huy và cũng là người khuyến khích Đức Huy theo con đường âm nhạc thật xúc động. Như Đức Huy hứa, sẽ có bài hát về Giáng sinh, cho nên không khí Noel đã bừng lên ấm áp khi Đức Huy, Nguyễn Vũ và Thành Lộc cùng ca Bài Thánh ca buồn của Nguyên Vũ.
Đêm nhạc khép lại với Và con tim đã vui trở lại trong không khí Giáng sinh đang đến gần. Đức Huy đã được ở trong ngôi nhà âm nhạc thân thương trên quê hương mình!
III. Những sản phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Đức Huy
- Và tôi cũng yêu em
- Bài hát tình yêu
- Bay đi cánh chim biển
- Dấu yêu ngày xưa
- Để quên con tim
- Đừng xa em đêm nay
- Đường xa ướt mưa
- Màu mắt nhung
- Một tình yêu bất diệt
- Nếu xa nhau
- Như đã dấu yêu
- Người tình trăm năm
- Và con tim đã vui trở lại
- Yêu em dài lâu
- Giống Như Tôi
- Suối tóc
- Sao vẫn còn mưa rơi
- Lời yêu thương
- Hoang Vu
- Thêm một lần nữa
- Mùa đông sắp đến
- Tiếng mưa đêm
- Khóc một dòng sông
Hy vọng qua bài viết trên các bạn sẽ không còn thắc mắc nhạc sĩ Đức Huy bao nhiêu tuổi, có mấy vợ con cũng như các sản phẩm nổi tiếng của anh ấy. Thế Giới Nghệ Sĩ cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết tiểu sử nhạc sĩ Đức Huy.