Út Trà Ôn (1919-2001) là nghệ sĩ cải lương tài danh. Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (vì ông là người con thứ 10 và cũng là con út). Ông sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cùng Thế Giới Nghệ Sĩ tìm hiểu chi tiết về tiểu sử cuộc đời nghệ sĩ cải lương Út Trà Ôn nhé!
1. Từng giai đoạn cuộc đời nghệ sĩ Út Trà Ôn
Năm 16 tuổi, anh thanh niên Mười Út với lòng đam mê nghệ thuật cải lương học hát tại làng quê. Quê hương của ông cũng là một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương.
Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng điện đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là bản: “Thức trót canh thâu“. Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa. Đặc biệt, với giọng ca đặc biệt của mình, ông đã góp phần nâng cao uy tín cho hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ “Tôn Tẩn giả điên” gồm có 20 câu, là một sáng tác của vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo).
Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hoá, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh…
Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, đây là lần đầu tiên ông làm bầu 1 đại bang danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ cao tuổi nhắc đến. Lúc ấy, đại bang này có nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn ví dụ như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga cùng làm giám đốc.
Năm 1960, Út Trà Ôn cộng tác với đoàn Thủ Đô (chủ nhân của đoàn này là ông Phan Văn Bản và đồng thời là chủ nhân của hãng dĩa Hoành Sơn)
Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang (cũng là tên tuổi lớn) lập gánh Thống Nhứt, rồi cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung v.v..
Năm 1975, sau ngày 30/4/1975, ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng hay còn gọi là đoàn 2-84.
Tháng 3 năm 1997, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Ông từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại Chùa Nghệ sĩ, Quận Gò Vấp. Hưởng thọ 82 tuổi
2. Danh hiệu của nghệ sĩ Út Trà Ôn
Năm 1997: Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân – đợt 4 và Huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.
3. Các vở cải lương nổi bật của nghệ sĩ Út Trà Ôn
- Ông cò Hương / Ông cò quận 9 (trong vở Tuyệt tình ca)
- Ông Phú (trong vở Nạn con rơi)
- Võ Minh Thành (trong vở Đời cô Lựu)
https://www.youtube.com/watch?v=ArUMowmXi50
- Tiếng hát Muồng Tênh
https://www.youtube.com/watch?v=Tm1VGzr5cmQ
- Kiều Phong A Tỷ
- Sương khói rừng khuya
- Quân Vương và Thiếp
- Lưu Bình Dương Lễ – Út Trà Ôn – Thành Được
https://www.youtube.com/watch?v=dzT9dtD0FJQ
4. Các bài vọng cổ nổi tiếng
Bằng giọng hát ấm và ngọt, nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi tiếng với rất nhiều bài vọng cổ. Ông được khán giả ái mộ với những vở cải lương. Rất nhiều bài vọng cổ cho đến ngày nay vẫn còn đọng lại ít nhiều ký ức và tình cảm trong lòng người mộ điệu:
- Tiếng tơ lòng
- 3 giờ khuya
- Thích ca tầm đạo
- Tình anh bán chiếu (Sáng tác: NSND Viễn Châu) hay còn gọi nhiều với cái tên Ghe Chiếu Cà Mau
- Đài Hoa Dâng Bác
- Tình người phu xe
https://www.youtube.com/watch?v=d2jG7cTqKAo
- Núm ruột quê hương
- Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn
- Gánh chè khuya (Tác giả: NSND Viễn Châu)
- Gánh nước đêm trăng
- Tôn Tẩn giả điên
https://www.youtube.com/watch?v=hI3nkk2tOxc
- Ni cô và lão ăn mày
https://www.youtube.com/watch?v=BbSUvUxAqKc
- Ông lão chèo đò
https://www.youtube.com/watch?v=UitprBeAwJs
- Đời (Tác giả: NSND Viễn Châu)
5. Gia đình nghệ sĩ Út Trà Ôn
5.1 NSND Út Trà Ôn và vợ – bà Nguyễn Thị Bích Thủy.
Cuộc sống của gia đình ông cũng nhờ thế mà rất êm ấm, không xảy ra bất cứ điều tiếng gì. Hai ông bà đã cùng nhau bước qua nhưng thăng trầm của nghệ thuật sân khấu cải lương. Ở thời điểm các sân khấu cải lương ít sáng đèn, bà chính là người đã gánh vác gia đình thay ông. Một tay bà lo lắng kinh tế để các con được học hành, cuộc sống gia đình không bị xáo trộn. Không chỉ đảm đương gánh nặng kinh tế, bà còn là nguồn động viên tinh thần khi Út Trà Ôn buồn lòng chứng kiến sức hút của cải lương giảm dần. Thế nên, trong mắt của Út Trà Ôn vợ ông là người phụ nữ tuyệt vời. Cuộc đời ông được trọn vẹn chính là nhờ người phụ nữ hiền dịu, tần tảo ấy. Vì vậy, khi nhắc đến Út Trà Ôn không thể không nhắc đến người vợ xinh đẹp, đảm đang và giỏi giang của ông.
5.2 Ca sĩ Bích Phượng (con gái của Út Trà Ôn) kể chuyện gia đình
“Năm lên 10 tuổi, mỗi chiều chủ nhật ba dắt tôi đi xem hát. Biết tôi là con gái út của Út Trà Ôn, ai cũng hỏi lớn lên tôi có theo nghề ba. Tôi trả lời không, khiến ba rất thất vọng. Nay thì khác rồi, ba rất quý mến tôi vì đã nối nghiệp hát”. Ca sĩ Bích Phượng, người được Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM trao giải thưởng vì có giọng hát nhạc truyền thống hay nhất kể về cha mình.
Năm 1987, nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng với đoàn Tây Ninh để dẫn con gái theo học nghề. Thật ra, từ khi còn làm công nhân Xí nghiệp Xây lắp nội thương 2, đoạt huy chương vàng với bài Dáng đứng Bến Tre (1984), Phượng đã tự tin nghĩ rằng mình có khả năng nối nghiệp cha. Song, cha chị lại muốn con gái thử sức ở lĩnh vực sân khấu. Thời đó, bị áp lực phe cánh, chị bị lấn át, không phát huy được khả năng của mình. Không muốn làm ba khó xử, Phượng trở về Sài Gòn. Sau này ông giải thích với vợ: “Tuổi 60 tôi đâu còn ham hố danh lợi, chỉ vì muốn được dìu dắt con theo nghề nên mới ký hợp đồng lưu diễn. Ai dè cả đời lo lăng xê biết bao đào trẻ, đến lượt con mình thì cơ sự như vậy”.
Đến một hôm thấy con gái xuất hiện trên truyền hình với nhóm nhạc dân tộc, (tiền thân của nhóm Phù Sa hiện nay), ba chị reo lên: “Con Phượng hát dân ca hay thiệt bà ơi! Thôi thì nó đi theo tân nhạc cũng quý rồi! Miễn dính dấp đến nghệ thuật đã là hậu duệ của Út Trà Ôn”.
6. Một vài thông tin khác về nghệ sĩ Út Trà Ôn
6.1 Bí quyết không ghen của má
Thời trai trẻ nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi tiếng đào hoa. Mỗi chiều ông đến rạp hát sớm để ký tên vào một xấp ảnh ở quầy vé tặng khán giả. Lúc nhỏ Phượng đã quen với hình ảnh đó, nhưng cực ghét mỗi khi thấy ba bắt tay mấy nữ khán giả. Chị đem chuyện về kể với má, bà chỉ cười: “Ba xã giao với người ta thôi mà!”. Rồi những cú điện thoại, những bức thư tình nồng nàn gửi đến ba. Lạ một điều má chị nghe, đọc rồi chẳng phản ứng gì. Chị thấy má là người phụ nữ hạnh phúc, lúc nào cũng thong dong, vững chãi khi đứng trước những “tình địch”.
Lớn lên, chị hiểu má nuốt nỗi hờn ghen vào lòng để chứng tỏ mình là người thắng thế. Trong một buổi giao lưu do Cung văn hóa Lao động TP HCM tổ chức, má chị đã dõng dạc tuyên bố: “Ớt nào mà ớt chẳng cay nhưng đã chấp nhận làm vợ nghệ sĩ thì không ghen. Bí quyết của tôi là giữ vững uy tín cho chồng, vì thần tượng của mọi người cũng chính là thần tượng của tôi!”. Bây giờ, trí nhớ nghệ sĩ Út Trà Ôn bắt đầu kém, song hễ nhắc chuyện xưa, ông nhớ rất rõ và nói với các con: “Má bây nổi tiếng không biết ghen!”.
6.2 Chuyện tình của ba má
Phượng kể, ba má mình yêu nhau ngộ lắm. Hồi đó tuy đã nổi tiếng nhưng nghệ sĩ Út Trà Ôn vẫn thích ăn cơm bình dân. Trong con hẻm nhỏ mỗi lần ông ghé đến, con nít bu quanh. Cả khu xóm thắc mắc vì sao ông nghệ sĩ khoái đến tiệm cơm này. Đến khi tiệm chuyển thành nơi nấu cơm tháng cho sinh viên, học sinh, công nhân Sài Gòn, ông cũng đăng ký mỗi trưa một suất. Sau này, người ta hiểu, thì ra cô cháu gái của bà chủ quán chính là nguyên nhân khiến đệ nhất danh ca thích ăn cơm tiệm. Ba chị yêu má vì nét đẹp chân quê. Má chị Phượng kể: “Hồi đó nghe đĩa nhựa bài Tôn Tẫn giả điên, tao nghĩ trong bụng cái ông Út Trà Ôn này chắc già khú đế. Ai dè trẻ đẹp và có duyên ăn nói…”.
Phượng kể, ba chị sống lãng mạn, thích hoài niệm những chuyện cũ. Có giai đoạn nghề hát hẩm hiu, bao nhiêu tiền của ông đổ vào gánh hát, sự nghiệp suýt tiêu tan, má chị phải một thân tần tảo nuôi chồng con. Nhiều đêm nghệ sĩ Trà Ôn trằn trọc không ngủ, khiến người vợ khóc suốt đêm. Nhưng ba chị khảng khái: “Công chúng còn thương tôi, thì sợ chi nghèo đói. Trách nhiệm của bà là nuôi dạy đàn con khôn ngoan, chăm học, đừng để người ta khinh con nghệ sĩ dốt lễ nghĩa”.
6.3 Anh nông dân lập kỷ lục về mức cát-xê
Út Trà Ôn là con thứ mười trong một gia đình làm nông, cha mẹ mất sớm nên Mười Út vất vả từ nhỏ. Khi những đứa trẻ trong làng mải mê với những trò trận giả thì cậu bé Mười Út vất vả trên cánh đồng. Giữa cái nắng oi bức, Mười Út lấy ca hát làm niềm vui. Từ chuyện ca cho vui, Mười Út được dân làng tín nhiệm cho vào ban nhạc lễ của làng. Dần dần, các nhạc sư trong làng dạy ông học ca 20 bài bản tổ của cổ nhạc.
Với vốn liếng ít ỏi ấy, chàng thanh niên Mười Út lên Sài Gòn lập nghiệp. Khi ấy là năm 1937, ông 18 tuổi. Ông được giới thiệu với đài phát thanh Sài Gòn và giọng ca truyền cảm, ấm áp, đậm chất miền Tây của ông đã chinh phục khán giả. Thuở ấy, chàng trai 18 tuổi nổi danh khắp các tỉnh miền Nam. Chàng trai trẻ Mười Út được bầu show, khán giả chào đón nồng nhiệt. Khi ấy cậu bé Mười Út choáng ngợp với thành công đến bất ngờ. Giờ đây, thay vì chân lấm tay bùn trên đồng ruộng, Mười Út đứng trên sân khấu, được ca, được diễn, được đón nhận những tràng pháo tay cuồng nhiệt của khán giả. Đây cũng là thời điểm ông lấy nghệ danh Út Trà Ôn.
Vốn là một nông dân, phải làm việc nơi đồng ruộng từ khi còn nhỏ nên Út Trà Ôn không biết đọc, nhưng điều đó chẳng thể cản bước Út Trà Ôn đến với thành công. Tình yêu dành cho sân khấu, cho những điệu vọng cổ đã giúp ông học thuộc kịch, lời ca mà diễn thật ngọt mà chẳng cần phải biết chữ.
Mỗi khi nhận vai mới, ông sẽ nhờ một người đọc kịch bản cho mình nghe, cứ đọc đi đọc lại nhiều lần cả lúc ngồi ăn cơm, hay trước khi ngủ, đến khi tập kịch ông sẽ nhớ vanh vách không thiếu một từ. Không chỉ thuộc chay, ông còn thể hiện cảm xúc của mỗi đoạn ca rất ngọt. Vì vậy mà, nhiều người không nghĩ Út Trà Ôn không biết chữ.
6.4 Nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn.
Điều làm nên sức hút cho giọng ca của Út Trà Ôn chính là do ông có làn hơi đồng pha thổ trầm ấm cùng phong cách ca ngâm độc đáo, vừa luyến láy kỹ thuật nhưng lại vừa chân phương. Không chỉ vậy, ông còn được coi là bậc thầy về lối hành văn, sắp chữ. Câu nhiều chữ ông ca vẫn hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Phát âm tròn vành, nhịp nhàng chắc chắn, trầm bổng rõ ràng. Chính vì vậy mà người ta không ngớt lời ca tụng ông. Báo giới và khán giả trao cho ông nhiều danh xưng và 2 trong số đó là “đệ nhất danh ca” miền Nam và “vua vọng cổ”.
Thuở ấy, ông là nghệ sĩ liên tục lập kỷ lục cát-xê. Năm 1948, Út Trà Ôn ký hợp đồng 50.000 đồng với ông bầu gánh Tiến Hóa. Thời điểm ấy, đây là con số kỷ lục vì nó bằng một nửa giải độc đắc xổ số. Thời gian sau, vì danh tiếng nổi như cồn mà mức cát-xê của ông liên tục tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng, 150.000 đồng rồi 300.000 đồng. Năm 1958, Út Trà Ôn gia nhập đoàn Thanh Minh và xác lập kỷ lục về mức cát-xê 750.000 đồng một năm. Con số này đã làm nhiều người khi ấy choáng váng.
Với nguồn thu nhập cao, cuộc sống của Út Trà Ôn cũng vì thế mà rất vương giả. Ông có biệt thự, xe hơi và chi tiêu bạc triệu mà chẳng phải nhíu mày. Ngày ấy, ông có tài xế riêng, có đến 3 người giúp việc. Ai nhìn vào cuộc sống của ông khi ấy đều ngưỡng mộ với thành công mà anh nông dân ngày nào đạt được.
6.5 Chung thủy nhất mực dù nhiều bóng hồng vây quanh
Là nghệ sĩ nức tiếng, giàu có, được nhiều cô gái mê mẩn nhưng Út Trà Ôn lại là người đàn ông rất chung thủy. Ông chỉ có duy nhất một người vợ và luôn chung thủy dù thường xuyên được các người đẹp săn đón.
Khi gặp vợ Út Trà Ôn đã là kép chánh rất nổi tiếng, nhưng họ lại gặp nhau trong hoàn cảnh hết sức bình dân. Thuở ấy, Út Trà Ôn dù có mức cát-xê cao ngất ngưởng nhưng lại không đến các nhà hàng sang trọng mà thường xuyên lui tới một quán cơm bình dân nằm trong hẻm, quán chuyên bán cho sinh viên, công nhân để ăn. Ông đến đây ăn cơm không phải chỉ do thói quen ăn uống giản dị mà còn để ngắm cô con gái duyên dáng của ông chủ quán cơm để rồi họ nên duyên vợ chồng.
Người vợ trẻ khi ấy là một cô gái xinh xắn và tính tình chân thật. Những ngày đầu, bà khá e ngại vì ông là nghệ sĩ nổi tiếng, giàu có và được nhiều phụ nữ say mê. Bà sợ ông không chung thủy, sợ ông quan cách vì là người nổi tiếng. Nhưng, sau đó, bà nhận ra Út Trà Ôn là người chân thành, gần gũi, mặc dù là người nổi tiếng nhưng ông rất giản dị.
Tình yêu của Út Trà Ôn và vợ đến rất nhẹ nhàng, dung dị và sau một thời gian tìm hiểu, họ nên duyên vợ chồng. Để có được một Út Trà Ôn thủy chung nhất mực với gia đình, phải kể đến sự khéo léo, ứng xử tuyệt vời của vợ ông. Mặc dù các bóng hồng luôn vây quanh ông nhưng bà chưa bao giờ tỏ ý ghen tuông. Khi gặp những cô gái vồ vập, muốn lôi kéo sự chú ý của Út Trà Ôn, bà cũng chỉ mỉm cười độ lượng.